Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Xu hướng đào tạo CMCN 4.0: Gắn kết với doanh nghiệp

 Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ thì việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố mang tính chất quyết định góp phần vào việc phát triển đất nước. Đó phải là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, có năng lực sáng tạo và có khả năng thích ứng để có thể chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, người lao động không chỉ sở hữu những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành mà còn phải có sự hiểu biết liên ngành để có thể thích nghi với những biến động nghề nghiệp ở tương lai.

 

 

Để có thể chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có chủ trương về việc phát  triển nguồn nhân lực. Theo đó, Bộ chính trị đã đề ra những chủ trương cụ thể trong việc phát triển nguồn nhân lực như sau:

Một là, rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số;

Hai là, có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao;

Ba là, phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc;

Bốn là, hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá số trong cộng đồng.

Từ những chủ trương nêu trên có thể thấy để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngành giáo dục đóng vai trò rất lớn, trong đó có giáo dục bậc đại học bởi lẽ giáo dục đại học có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nền sản xuất của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn trong việc tạo ra các thế hệ nguồn lực con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thì giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập như sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí là cao học, không tìm được việc làm hoặc phải chấp nhận làm công việc trái ngành trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Do vậy, để có thể góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói riêng đòi hỏi doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với nhau. Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác với các trường đại học có thể được xem là cơ hội để doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của mình. Theo đó, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các trường đại học để đưa các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ,… vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Mặt khác, với nhận thức rằng sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai, đào tạo theo nhu cầu của xã hội cho nên doanh nghiệp cũng là một trong những chủ thể giữ vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo. Cụ thể, ý kiến  phản biện về chất lượng đào tạo của doanh nghiệp sẽ là một trong những căn cứ quan trọng giúp cho các trường đại học có thêm thông tin xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của xã hội nói chung và người sử dụng lao động nói riêng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể “đặt hàng” để các trường đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của mình từ đó có thể giải quyết được bài toán về việc đảm bảo nguồn lao động chất lượng và ổn định cũng như sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

(Trích dẫn lại một phần bài viết của ThS. Huỳnh Thị Minh Hải (Trường Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM) -ThS. Nguyễn Thanh Duy (Trường Đại học Việt Đức).

http://vanhien.vn/news/xu-huong-dao-tao-cmcn-4-0-gan-ket-voi-doanh-nghiep-77025

Theo 
 Văn Hiến Việt Nam

Top
×