Sau khi có thông tin Hà Nội đốn hạ để thay thế 6.700 cây xanh, trong có đó có rất nhiều cây tuổi thọ hàng chục năm, Thông Tấn Thôn đã có buổi tiếp xúc thăm dò ý kiến bà con. Kết quả thật bất ngờ khi “hầu hết nhân dân ủng hộ”. Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu được tổng hợp:
Các bà nội trợ phấn khởi ra mặt khi nghe tin Hà Nội cho chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ. Trăm bà như một cho rằng Hà Nội mùa này cứ mưa phùn suốt, nên không có gì cần ưu ái bằng việc... phơi quần áo. Cầu khấn mãi mới được hôm có nắng thì lại bị mấy cây to che mất, thế là quần áo mốc vẫn hoàn mốc. Cho nên, vì sự nghiệp phơi quần áo, các bà nội trợ sẽ ủng hộ việc chặt cây đến cùng. Có bà vừa phát biểu xong liền cao hứng nối tiếp bài hát chế Cưa cây, lần này là hát nhạc Trịnh: Gọi nắng... cho em phơi đồ...
Cánh xe ôm thì cũng tỏ ra hào hứng không kém. Đa số ý kiến đồng tình rằng Hà Nội đường chật người đông, nên tắc đường đã trở thành thông lệ, và là nỗi sợ hãi số một của “người vận chuyển”. Những lúc tắc đường, các bác tài ôm phải biến hóa bằng cách leo vỉa hè để đi. Nhưng khổ nỗi, trên cái vỉa hè bé tí ấy, một phần lớn bị cửa hàng mặt tiền lấn chiếm làm của riêng, phần còn lại dành cho đậu xe, bán hàng rong và mấy gốc cây lù lù, thế thì còn chỗ nào mà đi? Vậy nên, các bác xe ôm đánh giá rằng chặt hết cây cổ thụ là một quyết định sáng suốt.
Phấn khởi hơn nữa là giới tiểu thương kinh doanh ở mặt phố. Với họ, mặt tiền là bộ mặt, là nồi cháo gà, là tiền, là vàng ròng... ấy vậy mà có cái cây to lù lù trước mặt thì còn làm ăn buôn bán kiếm tiền gì nữa? Cho nên, việc triệt hạ cây xanh trước mặt tiền là một nỗi khát khao cháy bỏng, có người bị mất ngủ kinh niên chỉ vì ngày đêm nghĩ cách giết cây. Người thì dội nước sôi vào gốc, kẻ thì đổ a xít, đứa thì vãi muối... tuy hiệu quả mạnh yếu khác nhau, nhưng chung quy lại, ai cũng muốn cây trước nhà chết càng nhanh càng tốt để... kiếm ăn. Nay được chặt cây, khác nào lộc trên trời rơi xuống?!
Các bác bên tổ dân phố và các cô chú bên môi trường cũng tỏ ra đồng tình cao độ với hơn một trăm phần trăm ủng hộ quyết định chặt cây. Các cô các bác ấy cho rằng “gốc cây” là trung tâm của... đái bậy. Thế nên chặt hết cây to chính là chung tay giữ gìn thành phố xanh sạch đẹp, đồng thời góp phần đẩy lùi nạn “tiểu đường”.
Với các bác hưu trí thì kết quả cũng khá bất ngờ khi mà hầu hết đồng tình với quyết định chặt cây. Các bác cho biết, mỗi buổi sáng đi tập thể dục, có hàng cây xanh mát hít thở không khí trong lành cũng tốt, nhưng khổ nỗi cứ sợ giẫm phải kim tiêm, nên tốt nhất là chặt.
Bất ngờ hơn nữa là đám thanh niên. Chắc hẳn mọi người đều nghĩ rằng các đôi đang yêu thì sẽ thích các hàng cây cổ thụ đẹp lãng mạn và nên thơ? Không, khi nghe tin chặt cây, họ không nhảy dựng lên phản đối như ta tưởng, trái lại họ còn ủng hộ quyết liệt, họ bảo cần phải chặt hết cả những hàng cây mỹ miều bên Hồ Gươm, hay trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây... đi nữa thì mới triệt để và toàn diện. Lấy làm thắc mắc, Thông Tấn Thôn hỏi nhỏ một số cô gái trẻ đẹp, thì được các nàng tiết lộ rằng: nếu cứ để những hàng cây đẹp như thế thì chỉ tổ bị các chàng dẫn đi dạo loanh quanh mỏi chân muốn chết, chi bằng chặt hết cây đi rồi vào nhà nghỉ tâm sự, vui vẻ và tiện lợi vô cùng.
Cuối cùng là cánh nhà thơ cũng khiến chúng tôi bất ngờ đến té ngửa. Ai cũng đinh ninh rằng nhà thơ thì lãng mạn nên sẽ yêu quý hàng cây cổ thụ như máu thịt của mình. Nhưng không, họ cũng rất sốt sắng ủng hộ quyết định chặt cây. Các nhà thơ phân trần rằng: bình thương, chỉ cần một chiếc lá rơi nhẹ nhàng là đủ để có ngay một bài thơ hay, nhưng cây Hà Nội to quá, lá rụng nhiều quá khiến họ làm thơ không kịp!
https://www.phapluatxahoi.vn/giải trí/7-ly-do-de-ung-ho-viec-chat-cay-o-ha-noi-c746a697237.html
Theo TQ (T/h)
(Pháp luật xã hội)