Bức phù điêu bằng gốm cổ phía trước đình bị kẻ trộm đục, cạy phá đem bán.
Chiều mưa nặng hạt như khiến mái ngói đình Linh Tây (quận Thủ Đức , TP.HCM) thêm thẫm màu thời gian. Từ rất lâu, ngôi đình này đã được người dân địa phương công nhận là nơi tôn nghiêm, linh thiêng. Đình cũng đã được xếp hạng di tích cấp Thành phố vào năm 2003. Tuy nhiên, những điều ấy không khiến khách thăm quan nguôi ngoai nỗi xót xa khi trông thấy các cổ vật vô giá nơi đây bị tàn phá.
Đáng nói hơn, những cổ vật gần như điển hình cho một nền nghệ thuật gốm sứ đã thất truyền không bị bào mòn, tàn phá bởi thời gian. Chúng bị hủy hoại không thương tiếc bởi những tên trộm đồ cổ. Và, dư luận chỉ biết đến sự tàn phá này khi Công an TP.HCM vào cuộc điều tra vụ mất trộm bức phù điêu nổi tiếng quý hiếm tại ngôi đình. Sau vụ việc ấy, ban quản lý đình dường như dè dặt hơn với những người muốn tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị nghệ thuật, giá trị cổ vật tại đây.
Mặt sau bức phù điêu ít bị kẻ trộm phá hoại bởi nó quay mặt về phía cửa chánh điện.Màu gốm của những họa tiết trang trí tại đây vẫn sắc nét, trường tồn cùng thời gian.
Ngay từ cổng chính, nếu để ý, khách thăm quan sẽ không khỏi xót xa khi thấy bức phù điêu bằng gốm hình chữ nhật, kích thước lớn đặt phía sau am thờ tượng ngựa bị đục, cạy phá sạch trơn. Đến nay, khi nhìn bức phù điêu, người ta chỉ còn thấy vài mảnh gốm men xanh tuyệt đẹp dính lại trên nền gốm. Không ai biết đó là họa tiết mây hay hoa sen cách điệu… hoặc chúng điểm xuyết cho một tác phẩm nghệ thuật nào đó.
Ngoài bức phù điêu phía trước, hoa văn trang trí trên mái đình cũng bị cạy phá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ phòng Văn hóa phường Linh Tây khẳng định, bức phù điêu này được người xưa tạo tác từ loại men gốm cổ. Hiện nay, loại men gốm này gần như đã không còn. Điều này khiến cho các bức phù điêu tại đây trở nên quý hiếm, có giá trị cao. Đẹp và có giá trị cao, các họa tiết trang trí bằng gốm trên bức phù điêu lớn này bị cạy phá khiến nó trở nên nham nhở, thủng lỗ chỗ.
Vị trí bị trộm đục, cạy đi họa tiết trang trí bằng gốm xỉn màu theo thời gian biến bức phù điêu sinh động, đầy giá trị nghệ thuật trở thành bức tường đen đúa như bị bỏ hoang nhiều năm. May mắn hơn mặt trước, mặt sau bức phù điêu còn khá nguyên vẹn. Mặc dù cũng bị kẻ trộm “thăm viếng” nhưng các linh vật được đắp nổi từ gốm cổ vẫn rõ nét với những họa tiết tinh xảo, màu sắc sống động. Ở mặt này, bức phù điêu chỉ bị thời gian hoen ố. Tuy nhiên, những hoen ố này đã chứng minh chất lượng vượt thời gian của loại men gốm cổ xưa.
Video: Những “vết thương” của cổ vật tại ngôi đình bị mất trộm bức phù điêu chục tỷ đồng
Chỉ tay về phía nóc mái đình, anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1972, ngụ quận Thủ Đức), ông từ đình Linh Tây cho biết, giá trị của loại gốm tại đình giá trị đến nỗi, các tên trộm đã bất chấp nguy hiểm để trèo lên mái đình đục, lấy đi một tấm phù điêu tại đây. Anh cho biết, bức phù điêu bị đục mất nằm trong hệ thống 5 bức phù điêu trang trí bằng gốm cổ đặt trên mái đình.
Nhìn từ xa, người ta vẫn thấy, các bức phù điêu này được tạo tác từ gốm với những gam màu xanh, nâu đỏ, vàng, tím,… đầy mê hoặc. Năm bức phù điêu đắp nổi 5 họa tiết khác nhau được “dán” lên một khung xi-măng chia làm 5 ô bằng nhau. Hiện nay, ô thứ năm tính từ trái sang đã bị bọn trộm đục mất để đánh cắp. Anh Tùng cho biết, bức phù điêu trang trí này bị mất cùng thời điểm với tấm phù điêu cổ, giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng được đặt tại bàn thờ trước chánh điện của đình.
Một trong 5 bức phù điêu bằng men gốm cổ trang trí trên nóc mái đình bị kẻ trộm cạy, đánh cắp.
Các tài liệu ghi lại, bức phù điêu bị đánh cắp đắp nổi Tứ Linh bằng gốm men xanh cổ, kích thước 80cm x 50cm x 15cm, nặng khoảng 50kg. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đây là vật phẩm vô cùng quý hiếm vì được tạo tác từ loại men gốm cổ đã không còn tồn tại. Do đó, bức phù điêu này không chỉ có giá trị về nghệ thuật, văn hóa mà còn mang tính lịch sử rất cao. Anh Tùng khẳng định, bức phù điêu bị mất có giá lên đến hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ về vụ trộm bí ẩn, ông từ đình Linh Tây kể: “Tôi trông nom đình đã nhiều năm. Dù trước đó tôi chưa được biết về giá trị của bức phù điêu nhưng tôi vẫn khóa cửa, cổng đình một cách cẩn thận rồi mới đi ngủ. Tối hôm xảy ra vụ việc, tôi cũng khóa cửa nẻo kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đêm đó, tôi không hề nghe thấy tiếng động lạ nào, ngay cả con chó tôi nuôi nổi tiếng hung dữ cũng không sủa lấy một tiếng”.
Ông Từ ngôi đình thiêng kể lại câu chuyện đình bị mất trộm bức phù điêu cổ quý hiếm trị giá hàng chục tỷ đồng.
“Sáng hôm sau, khi ra mở cổng, tôi tá hóa phát hiện ổ khóa cửa cổng đình bị cắt đứt. Kiểm tra cửa chính điện, tôi cũng thấy các ổ khóa bị cắt, vứt lung tung dưới đất. Nhìn lên ban thờ đặt bức phù điêu, tôi rụng rời tay chân vì thấy bức phù điêu cổ đã biến mất. Trên ban thờ chỉ còn lại một bên chân đế. Tôi kiểm tra thì thấy ngoài bức phù điêu, bên trong đình không mất gì thêm”, anh Tùng kể.
Tuy nhiên, khi ra ngoài, anh tiếp tục phát hiện, phần phù điêu trang trí trên nóc mái đình cũng bị đục mất một miếng. Có thể, sau khi đánh cắp bức phù điêu, các đối tượng trộm đã leo lên mái và định đánh cắp tất cả các phù điêu trang trí bằng gốm cổ. Tuy nhiên sợ phát ra tiếng động lớn, mất nhiều thời gian sẽ bị phát hiện nên chúng bỏ đi.
Bức phù điêu cổ được tạo tác từ men gốm đã thất truyền trước khi bị đánh cắp.
Xong câu chuyện cũng là lúc chúng tôi vừa bước khỏi bậc tam cấp cửa đình. Ngẩng đầu nhìn lên mái ngói, nơi đôi rồng bằng gốm men xanh vươn đầu lên nền trời vừa tan mây, chúng tôi chợt xót xa khi những di sản của cha ông không bị khuất phục bởi thời gian mà lụi tàn trong bàn tay con người.
Trước đó, ông Huỳnh Văn Thiệt, Trưởng ban Quản lý đình Linh Tây đã đến cơ quan chức năng trình báo việc vào đêm 22/6/2019, đình bị các đối tượng trộm phá cửa cổng, cửa chính điện, đột nhập vào bên trong đánh cắp bức phù điêu bằng gốm cổ được trưng tại ban thờ trước cửa chính điện. Theo ông Thiệt, bức phù điêu cổ được đắp nổi Tứ Linh bằng gốm men xanh cổ có kích thước 80cm x 50cm x 15cm, nặng khoảng 50kg. Đây là hiện vật quý hiếm, có giá trị nghệ thuật cao. Hiện, vụ việc đang được cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra, làm rõ.
Theo H.N
(Người Đưa Tin)