Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Khoảng hai, ba năm trở lại đây, mỗi mùa tết về là mỗi mùa người xem có dịp xem những phim ngắn, video clip… đầy nụ cười lẫn nước mắt. Những phim ngắn này hầu hết của các nhãn hàng dành cho việc quảng bá sản phẩm mới cho mùa tết. Các nhãn hàng bây giờ đã không chỉ chăm chăm quảng bá sản phẩm mà họ đem đến một sản phẩm giải trí nhiều xúc cảm thật sự.

Từ tết đoàn viên

Ý nghĩa mùa tết Nguyên đán là mùa đoàn viên được rất nhiều phim ngắn chọn làm đề tài khai thác. Năm nay Neptune tiếp tục khai thác tết đoàn viên nhưng đoàn viên trong ước mơ với phim ngắn Tết xa. Đó là những cái tết xa quê không về được của con cái như chàng sinh viên nghèo ở quê lên thành phố học, đến mùa tết quyết ở lại thành phố để giao hàng đặng qua năm có tiền đóng học phí. Là những công nhân xuất khẩu lao động ở Đài Loan bao năm không về quê vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Là cô gái vẫn về quê nhưng nhà vắng lặng vì ba mẹ không còn bên cạnh...

Tết xa nhắc nhớ mọi người rằng vì hoàn cảnh nhiều người không thể đón tết bên gia đình nên hãy trân trọng khoảnh khắc sum họp khi còn có thể.

Với ca từ “Cả tuổi xuân của mẹ là các con…” trong ca khúc Tết của mẹdo ca sĩ Noo Phước Thịnh thể hiện trong phim ngắn Momfie - Trời ơi, mẹ tôi cũng selfie của nhãn hàng Oppo cho mùa tết này cũng là một bộ phim lấy nước mắt người xem. Đó là ước mơ giản dị của người mẹ già ở quê mong có cái tết đoàn viên cùng ba đứa con với bữa cơm đầm ấm và chụp ảnh chung với con. Bà mẹ quê đã lụi cụi đi mua điện thoại, tập selfie rồi làm tóc thật trẻ trung, cùng cả một va ly bánh tét, dưa món để lên TP ăn tết với con.

Nhưng rồi những khoảng thời gian bên cạnh nhau lại không được các con trân trọng vì chỉ mải sống ảo với màn hình điện thoại, không ai buồn nói với ai. Trong phim, NSND Ngọc Giàu nói với các con: “Tụi bay không nói chuyện với nhau à, ở trong nhà mà thằng anh Hai tụi bay ở đâu cũng không biết, anh em ở một nhà chi kỳ vậy, ăn cơm cũng ngồi nhắn tin... Sống ảo hả bay? Điện thoại thông minh chi, điện thoại ngu thì có!”. Những hình ảnh, câu thoại làm khán giả rơi nước mắt.

 

Video gây thương nhớ mùa tết  - ảnh 1


Bà mẹ quê vì muốn có cái tết đoàn viên với con nên cũng mua điện thoại tập tành selfie. Trong ảnh: NSND Ngọc Giàu và các diễn viên trong phim ngắn Momfie - Trời ơi, mẹ tôi cũng selfie. Ảnh: TL

Đến tết sẻ chia

Bộ phim Góp tình trao tết do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện cho Unilever lấy đề tài là chuyến xe cuối cùng tốc hành Nam Bắc của năm cũ về quê đón tết. Chuyến xe chở cả vui buồn năm cũ với miền Trung lũ lụt, miền Tây hạn hán lẫn ước vọng cho năm mới qua những chiếc máy bay bằng giấy như câu chuyện ngàn cánh hạc giấy để điều ước năm mới thành hiện thực.

Năm nay, phim tết cũng đánh dấu nhiều phim ngắn nói đến thân phận người phụ nữ trong gia đình ngày tết. Tết là truyền thống nhưng không phải truyền thống nào cũng nên khư khư ôm giữ. Bộ phim Đón tết cùng nhau của đạo diễn Victor Vũ làm cho nhãn hàng Nestlé khai thác câu chuyện cái tết sẽ đầm ấm nếu có sự chia sẻ của người đàn ông với những việc thường được định kiến dành cho phụ nữ như dọn dẹp nhà cửa, vào bếp tiếp bạn bè, cúng bái…

Câu chuyện Xuân không màu đạo diễn Lê Hữu Hoàng Nam làm cho nhãn hàng Bảo Xuân cũng khai thác tương tự. Đó là sự lạc lõng của người phụ nữ trong nhà khi làm dâu xứ người, không đón tết cùng cha mẹ. Ở đó cha mẹ chồng, chồng, con có những kế hoạch đã tính trước không nhớ đến mình, bữa cơm dọn lên cả nhà cũng ăn trước. Dựa trên khảo sát, hơn 3.000 phụ nữ trên cả nước cho thấy từ khi lập gia đình, cứ 100 phụ nữ thì có 86 người năm nào cũng đón tết ở nhà nội, trong đó 97% mong muốn có cơ hội được về nhà ngoại đón tết. Câu chuyện phim muốn mang đến lời nhắc nhở cho người đàn ông trân trọng và chia sẻ mong muốn hết sức giản dị ấy với người phụ nữ của mình, việc đơn giản nhất là đem họ về cùng đón tết với ba mẹ.

Tết đoàn viên, tết sẻ chia, tết ấm tình thân… được kể rất nhiều trong những phim ngắn mùa tết năm nay. Đây cũng là niềm vui, cũng là thách thức cho những người làm nghệ thuật. Thực tế, clip quảng cáo đã qua thời nhãn hàng phải là số một trong clip, bởi suy cho cùng một nhãn hàng đến được người dùng bằng sự rung động thì đó là sự thành công trước tiên.

Nguồn từ: plo.vn

 

Top
×