Chủ đề giao lưu với “tứ đại gia sân khấu”gồm NSND Kim Cương và các NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Quế Trân.
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả về hiện trạng game show đang làm mưa làm gió trên truyền hình hiện nay, nhất là các game show hài, NSND Kim Cương nói:“Tôi rất buồn khi thấy những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa, nhất là khi chiếu trên truyền hình ảnh hưởng rất lớn…”. Còn Hữu Châu cho biết anh không tham gia game show trên tivi vì nếu làm giám khảo, anh phải thỏa thuận với nhà sản xuất chọn thí sinh này, loại thí sinh kia thì mai mốt sẽ dạy được ai. (Hữu Châu là giảng viên Trường Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM.) Anh bảo người chơi game show không diễn mà giỡn mặt với khán giả truyền hình. Hữu Châu nói:“Thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show!”… Thành Lộc thì không hoàn toàn lên án game show, anh nói nhẹ nhàng nhưng có phần xót xa khi nêu lên một sự thật đáng buồn: “Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn, giá trị đúng đắn bị đánh đồng với giá trị không thật”. Có nghĩa là những giá trị ảo trong nghệ thuật đang lấn át các giá trị thật.
Không hiểu sao các game show hài trên truyền hình ngày càng bế tắc trong khi hầu hết là mua bản quyền của nước ngoài về chế tác. Nhưng rõ ràng những kịch bản chế tác quá vụng về, dễ dãi nên nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từ chối tham gia. Còn các nghệ sĩ hài đã nhẵn mặt trên truyền hình thì không có thời giờ đọc kịch bản nên nhiều khi họ cương một cách nhố nhăng, nhảm nhí, cốt chọc cười bằng bất cứ chiêu trò gì, nhiều chiêu vô nghĩa, phản cảm, thậm chí thiếu văn hóa. Họ cạn kiệt mảng miếng đến mức có khi đã đưa cả chuyện đời tư của bạn diễn ra để cười cợt!
Một đạo diễn truyền hình nay chuyển sang sản xuất game show nói thẳng với tôi, nhiều nghệ sĩ lên tivi không để diễn mà để bán hình ảnh cho các thương hiệu lớn. Nhiều game show với các MC, diễn viên lẫn người chơi “đùa giỡn” với khán giả truyền hình - chính xác như lời nghệ sĩ Hữu Châu nói. Anh nói tuy anh đã từng là đạo diễn nhưng cũng không thể can thiệp vì anh chỉ là người “đánh thuê”! Đúng là các game show không phải để phục vụ khán giả mà chính là phục vụ những nhà sản xuất, những người bỏ tiền thuê sóng, thuê nghệ sĩ làm theo ý tưởng chỉ đạo của họ. Còn khán giả chỉ là chất xúc tác, là cái cớ để nghệ sĩ “diễn như giỡn”. Vậy thôi!
Tôi chợt nhớ một chuyện cũng liên quan tới hài kịch trên truyền hình. Ba mươi mấy năm trước, Đài Truyền hình TP.HCM có chương trình hài kịch ngắn, còn gọi là tiểu phẩm Trong nhà ngoài phố với nhiều kịch bản chọc cười khá dễ dãi. Một lần tôi nói với đạo diễn chương trình này vốn là chỗ quen biết: “Sao mấy ông làm toàn tiểu phẩm cười dễ dãi quá vậy?”. Anh bạn đạo diễn truyền hình nghiêm mặt: “Chúng tôi làm chương trình hài kịch giải trí nhẹ nhàng để phục vụ bà con lao động bình dân chứ đâu để phục vụ mấy ông nhà thơ, nhà báo, trí thức. Những người lao động cả ngày làm việc mệt nhọc, tối về họ vừa ăn cơm vừa xem Trong nhà ngoài phố, họ cười thoải mái rồi đi ngủ, mai đi làm, họ chẳng cần suy nghĩ gì cho nặng đầu!”.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy những người làm chương trình Trong nhà ngoài phố ngày ấy có lý lắm. Thiết nghĩ HTV nên tổ chức làm lại - mà bây giờ có điều kiện chắc sẽ làm hay hơn - thay vì cứ phát mãi các game show hài nhảm nhí vô bổ. Hay là do cơ chế thị trường phải vậy?
Nguồn từ: plo.vn