Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Phim hài trên truyền hình: Ít ỏi, khó làm nhưng khán giả thực sự… cần

“Nhà trọ Balanha” đã kết thúc được gần 1 tháng, nhưng nếu để ý sẽ thấy các đoạn video cut của phim vẫn được khán giả tìm kiếm, tăng lượt xem và bình luận khá đều. Ngay từ đầu, đạo diễn Khải Anh đã nói về bộ phim “Nhà trọ Balanha” rằng: Đây sẽ là một thử nghiệm mới mẻ, rất khác biệt. Vì thế anh cũng sẵn sàng tâm lý đón nhận phản hồi của khán giả, hoặc khen, hoặc chê. Có kịch bản gốc từ Hàn Quốc (phim gốc là “Nhà trọ Waikiki”), tập trung chủ yếu vào giới trẻ, khi chuyển thể sang kịch bản Việt, ê-kíp phim cũng nghĩ đến việc có thể phim sẽ kén tuổi khán giả. Tuy nhiên, “Nhà trọ Balanha” thành công hơn cả mong đợi và hút được khán giả nhiều lứa tuổi, chính bằng cách … tấu hài có phần mới lạ của phim.

Biên kịch Lại Phương Thảo của “Nhà trọ Balanha” từng chia sẻ: Chính nhờ sự “chịu chơi” của nhà sản xuất (Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam - VFC) trong việc thể nghiệm loại hình mới, chị cùng nhóm biên kịch thấy có thêm hào hứng và động lực để chuyển thể bộ phim hơn.

phim hai tren truyen hinh it oi kho lam nhung khan gia thuc su can
Sau “Nhà trọ Balanha”, khán giả hi vọng sẽ có thêm những phim hài truyền hình hay để xem. Ảnh: VTV Giải trí

Từ phản ứng của khán giả đối với “Nhà trọ Balanha” mới thấy rằng: Khán giả  Việt thực sự… cần những bộ phim hài hay trên sóng truyền hình. Trong khi thực tế, thể loại phim này đang rất hiếm. Đa phần, các nhà sản xuất, các đạo diễn vẫn chọn làm phim thiên về nội dung tình cảm gia đình, với cách thể hiện an toàn và truyền thống. Phim hài trên truyền hình cũng thường tập trung vào thể loại sitcom (mỗi tập phát sóng có thời lượng rất ngắn, đa phần các phim sitcom của Việt Nam thường có tình huống hài mang tính kịch khá nhiều).

Ở khu vực phía Nam, cũng đã xuất hiện một số phim truyền hình mang nhiều yếu tố hài được sản xuất trong thời gian qua, ví dụ như: Cô Thắm về làng, Dù gió có thổi, Gạo nếp gạo tẻ, Những nàng dâu nổi loạn, Gia đình là số 1, Oan gia bùm chéo, Sui gia đại chiến… Nội dung hài đan xem các câu chuyện về tình yêu, gia đình của những phim này được nhiều khán giả khen ngợi.

Thực tế là yếu tố hài không thể thiếu trong các bộ phim truyền hình – nhất là phim dài tập - dù làm theo bất cứ thể loại nào đi nữa. Bởi tính hài hước của phim chính là gia vị cần thiết để khán giả giảm stress, thậm chí giảm những diễn biến mạch phim quá “xoắn não”. Bộ phim ăn khách bậc nhất lịch sử đài truyền hình HBO Mỹ - “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền) có đến 8 phần, làm trong 9 năm trời ròng rã với hàng trăm tuyến nhân vật, với các mối quan hệ hết sức phức tạp của các nhân vật, với những âm mưu, thủ đoạn tranh vương đoạt quyền… nhưng chưa khi nào thiếu các tình huống hài hước. Mà sự hài hước đó đa phần được tạo dựng khéo léo từ các câu thoại. Bởi suy cho cùng, mục đích của khán giả khi xem phim trước hết là giải trí, nếu thiếu tính hài hước, người xem khó kiên nhẫn với một bộ phim dù hay đến đâu.

Tuy nhiên, làm phim truyền hình hài mà hay thực sự không dễ. Đầu tiên là yếu tố kịch bản, một vài tình huống hài sao cho phù hợp tâm lý khán giả, chọc cười thú vị không quá lố cũng đã khó. Để đảm bảo mạch hài cho cả bộ phim lại càng không hề dễ dàng. Tiếp sau đó là nội dung hài phù hợp với nhân vật, với vai diễn. Một khó khăn nữa theo các nhà làm phim nhận xét là phim hài còn kén cả đạo diễn. Kịch bản hài đã khó, còn để đưa lên phim, tạo ra tiếng cười duyên dáng lại là chuyện khác. Nhiều cái khó cộng lại khiến cho khán giả … đói phim hài thực sự là điều không khó hiểu.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên quá gượng ép để làm các phim truyền hình hài nếu chúng ta chưa thực sự đủ các yếu tố để tạo ra một phim truyền hình hài hay. Nếu chưa đủ tầm, thì nên chọn giải pháp đưa các tình huống hài vào trong những bộ phim, sao cho yếu tố hài hước ấy phải hợp lý, phải phù hợp với mạch phim. Thực tế là “Người phán xử” dù không phải phim hài nhưng khán giả từng rất thích những tình huống hài hước trong phim, nhất là các đoạn thoại giữa ông trùm Phan Quân và con trai Phan Hải, hay tình huống gây cười của Khải Sở khanh – con rể có phần “sợ nhà vợ” của tập đoàn Phan Thị.

Sau thành công từ bộ phim mang nhiều yếu tố hài như “Nhà trọ Balanha” được “remake” (làm lại) từ kịch bản của một bộ phim Hàn Quốc, nhiều khán giả đã hi vọng rằng, có thể trong thời gian tới những phim hài truyền hình sẽ xuất hiện nhiều hơn. Khi yếu tố kịch bản còn khó khăn, thì có thể tính phương án làm lại từ các kịch bản ngoại khác.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, GĐ VFC chia sẻ:  Một bộ phim gây hiệu ứng tiếng cười chưa phải là lý do duy nhất chúng tôi lựa chọn để sản xuất, mà còn phải có những thông điệp nhân văn. Đúng là phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khi bắt tay vào một bộ phim truyền hình hài, nhưng rõ ràng, phải có thử nghiệm, khán giả mới có món “lạ” để xem. Nhất là trong hoàn cảnh bộ phim nối sóng “Nhà trọ Balanha” là “Đừng bắt em phải quên” khiến khán giả… phát bực vì mô típ quá cũ kỹ, tình huống vô lý, kịch bản nhàm chán. Vì thế, sau tiếng cười từ “Nhà trọ Balanha”, có thể, phim hài truyền hình sẽ được các nhà sản xuất tính đến nhiều hơn, khán giả sẽ có thêm món mới để đợi chờ.

https://phapluatxahoi.vn/phim-hai-tren-truyen-hinh-it-oi-kho-lam-nhung-khan-gia-thuc-su-can-198826.html

Theo Nam Dương 

(Pháp luật Xã Hội)

Top
×