The Guardian cho biết trẻ trong độ tuổi bú bình đang nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày, theo một nghiên cứu được đánh giá là “bước ngoặt” trong nỗ lực tăng cường sự hiểu biết về mức độ con người bị phơi nhiễm hạt nhựa siêu nhỏ.
Các nhà khoa học phát hiện rằng quy trình tiệt trùng bình sữa ở nhiệt độ cao và pha sữa công thức đã khiến các bình sữa thải ra hàng triệu hạt vi nhựa và hàng nghìn tỷ hạt nhựa nano nhỏ hơn.
Những bình sữa làm bằng chất polypropylene chiếm đến 82% loại sản phẩm này trên thị trường thế giới. Polypropylene là một trong những dạng nhựa được sử dụng phổ biến nhất thế giới, và các cuộc kiểm tra sơ bộ của giới khoa học phát hiện các hộp chứa thực phẩm và ấm đun nước cũng tạo ra hàng triệu hạt vi nhựa/lít chất lỏng.
Vi nhựa trong môi trường có thể làm ô nhiễm thức ăn và đồ uống của con người, nhưng nghiên cứu cho thấy việc quá trình chuẩn bị thực phẩm trong hộp nhựa có thể khiến tình trạng phơi nhiễm vi nhựa cao hơn gấp hàng nghìn lần.
Hiện các tác động từ hạt vi nhựa đến sức khỏe vẫn là điều chưa được biết và giới khoa học đang khẩn cấp đánh giá vấn đề, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.
Theo Giáo sư John Boland, thuộc trường Cao đẳng Trinity Dublin (Ireland), nơi tiến hành nghiên cứu, việc cần làm lúc này là nghiên cứu tác động của lượng lớn hạt vi nhựa đối với sức khỏe. Theo giáo sư, nhiều hạt vi nhựa sẽ bị thải ra ngoài theo phân, nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu để biết bao nhiêu hạt vi nhựa có thể thâm nhập vào máu và đi đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học Ireland công bố trên tạp chí Nature Food cho biết, nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu lượng vi nhựa từ 10 loại bình sữa của trẻ em hay những vật dụng làm bằng polypropylene. Họ đã tiến hành các bước làm sạch, khử trùng và pha sữa theo các hướng dẫn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau 21 ngày thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện các bình sữa đã thải ra khoảng 1,3 - 16,2 triệu hạt vi nhựa mỗi lít. Sử dụng số liệu này và dựa trên tỷ lệ trung bình cho trẻ bú sữa mẹ, nhóm đã lập mô hình ước tính lượng vi nhựa mà trẻ sơ sinh toàn cầu có thể hấp thu từ bú bình. Kết quả cho thấy trẻ bú bình có thể tiêu thụ trung bình 1,6 triệu hạt vi nhựa/ngày trong 12 tháng đầu đời.
Các nhà nghiên cứu giải thích việc tiệt trùng và tiếp xúc với nước nóng là tác nhân lớn nhất khiến bình sữa thải ra lượng vi nhựa cao, từ mức 0,6 triệu hạt/lít ở nhiệt độ trung bình 25 độ C lên 55 triệu hạt/lít ở nhiệt độ 95 độ C. Theo nghiên cứu này, những trẻ sơ sinh tại các nước phát triển có nguy cơ tiêu thụ lượng vi nhựa nhiều nhất - 2,3 triệu hạt/ngày ở Bắc Mỹ và 2,6 triệu tại châu Âu. Nguyên nhân là tỷ lệ trẻ sơ sinh bú mẹ khá thấp ở những nước giàu.
Để cắt giảm số lượng hạt vi nhựa phát sinh trong quá trình chuẩn bị sữa công thức cho trẻ, các nhà nghiên cứu đề nghị dùng nhiều biện pháp như đun nước trong ấm không làm bằng nhựa, pha sữa trong bình không làm bằng nhựa và rót sang bình sữa bình thường trước khi cho bé bú. Những giải pháp khác bao gồm dùng bình, chai thủy tinh, nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo Nguyễn Đăng (t/h)
(Pháp luật Xã hội)