Chào nhạc sĩ Dương Trường Giang, cách đây vài ngày, nhiều người xôn xao khi một đường dây người đẹp bán dâm lên đến 30.000 USD. Là một nhạc sĩ – một người làm văn hoá, anh đánh giá sao về việc này?
Những ồn ào này là việc tất yếu phải xảy ra, sự lựa chọn sai lầm sẽ dẫn đến một kết quả sai lầm. Trên đời, mọi thứ đều có giá của nó, chỉ là đến khi nào thì “cái kim trong bọc đó sẽ lòi ra”. Trên đời có nhiều lựa chọn, nhiều cách sống, vì sao các bạn ấy lại chọn việc đó để làm?. Tôi cho rằng những bạn làm việc đó là sai hoàn toàn và nếu không phải thời điểm này thì sẽ là thời điểm khác việc trao đổi tình – tiền ấy sẽ bị mọi người phát hiện.
Theo anh, vì sao những người đẹp ấy lại rơi vào “cái bẫy” tình – tiền như vậy?
Theo tôi, đó là lối sống của họ, nếu lựa chọn một lối sống sung túc nhưng không muốn lao động vất vả, muốn hưởng thụ họ sẽ bị sa ngã. Đây không phải là lần đầu tiên đường dây mua bán dâm bị phát hiện, các lần trước những người đẹp bị phát hiện cũng gây ra nhiều xôn xao. Nhưng, nhiều cô gái trẻ vẫn như con “thiêu thân”. Họ không thấy đó là lối sống sai lầm. Tôi nghĩ, cần lên án lối sống này để thế hệ trẻ biết “đi đúng đường”.
Anh nghĩ thế nào về việc nhiều nghệ sĩ trẻ hiện này dựa vào scandal để nổi tiếng?
Mỗi người có một sự lựa chọn và ai sống thế nào thì mọi người xung quanh sẽ hiểu. Hào quang của sự nổi tiếng sẽ chẳng là gì nếu đằng sau đó là những chiêu trò, là sự ồn ào mà không đi lên từ tài năng. Đích đến cuối cùng của âm nhạc không phải là thương mại mà là nghệ thuật. Việc tạo scandal để được chú ý có thể hiệu quả ở thời gian đầu nhưng không giúp đi đường dài. Khi bạn đạt đến một giới hạn nào đó của sự thành công, việc tạo những ồn ào để gây chú ý thật là… ngớ ngẩn. Có thể, đến lúc này, tôi nói điều đó ra là dễ dàng, nhưng tôi muốn nhắn với người trẻ rằng: Nếu làm nghệ thuật chân chính thì "vứt" vào đâu bạn cũng thành công.
Nếu có một nữ ca sĩ trẻ hay học trò nhờ anh cùng tạo scandal “tình ái” thì anh thấy sao? Anh sẽ khuyên bạn ấy thế nào?
Ngoài sáng tác, tôi hiện đang làm công tác giảng dạy âm nhạc nên tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ. Học trò của tôi không bao giờ làm như thế, vì các bạn ấy là người thường xuyên tiếp xúc với tôi và biết tôi là người thế nào. Tôi không chỉ dạy các bạn hát mà dạy cả cách sống nữa. Điều đó tạo thành phông văn hoá, họ yêu nghệ thuật và muốn đi lên từ thực lực. Nếu có ai nhờ tôi làm việc kia, họ đã không hiểu tôi rồi.
Là một nhạc sĩ có nhiều bản hit như Phố không mùa, Mùa đi ngang phố… nhưng lâu lắm rồi, không thấy Giang có bản hit nào, anh đang “ở ẩn” phải không?
Bản thân tôi viết rất nhiều và có nhiều bài nặng đô. Tôi cần phải nhiều năm để ấp ủ một bài hát đúng như tưởng tượng của mình. Việc ca khúc có phải là hit hay không không phải là do mình quyết định, tôi vẫn cống hiến sản phẩm âm nhạc, nhưng phải đến thời điểm được ghi nhận và được khán giả thích, nó mới trở thành hit được. Trong thời gian qua, tôi vẫn sáng tác, nhưng không phải cứ ra sản phẩm là thành công. Nhiều nghệ sĩ có kế hoạch dài hơi của họ và đúng ngày, đúng giờ mới tung ra cho khán giả thưởng thức. Với tôi, mỗi ngày viết một sản phẩm mới là vượt qua chính mình.
Nghe nói, dạo này anh còn sáng tác nhạc cho học sinh nữa, anh có thể chia sẻ thêm cho độc giả?
Đúng vậy, mới đây tôi đã sáng tác bài hát Hẹn nhau nơi ấy và có ra MV do ca sĩ Hà Trung và Yanbi thể hiện. Bài hát nói về những kỷ niệm của thời học sinh với nhiều chuyện buồn, vui của lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, trong đó có cả những rung động đầu đời đẹp đẽ. Tôi thích làm những sản phẩm ảnh hưởng đến xã hội, làm cho cuộc sống đẹp hơn.
Tôi cho rằng những tác phẩm âm nhạc dành cho học trò cần phải có nhiều hơn. Thời gian gần đây, nhiều người kêu ca về việc học sinh không có bài hát dành cho tuổi của mình. Học sinh mà toàn hát bài người lớn, trong nhiều gameshow âm nhạc, các em hát cả các bài về tình yêu. Lý do là không có các bài hát phù hợp với lứa tuổi của các em. Vì thế, cần có nhiều tác phẩm âm nhạc cho học sinh để các em có nhiều bài phù hợp với tuổi của mình, nuôi dưỡng tâm hồn các em.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo PV (tổng hợp)
(Pháp luật xã hội)