Sau khi tạo một “làn sóng lớn” đầu hè 2020 tại Thủ đô với các vở diễn chất lượng, sân khấu Lệ Ngọc – sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở miền Bắc quyết định Nam tiến. Về quyết định Nam tiến, NSND Lệ Ngọc từng cho hay, chúng tôi muốn “đo” lượng khán giả miền Nam và đặt kỳ vọng vào tour diễn “Tìm về văn hóa cội nguồn” với 3 vở diễn đặc sắc sẽ chinh phục được “miền đất hứa”.
"Chí Phèo – Thị Nở” là vở diễn nhận được sự yêu mến của khán giả miền Nam. |
Dịp này sân khấu Lệ Ngọc mang vở diễn “Cây tre thần”, “Chí Phèo – Thị Nở”; “Hoa sen lửa” công diễn tại Nhà hát TP.HCM từ ngày 25-6 đến 3-7. Tuy là 3 vở kịch, 3 màu sắc, 3 giai đoạn lịch sử, nhưng có mẫu số chung là tâm sức và lòng tin tuyệt đối vào sản phẩm tử tế đậm chất thơ, giàu chất đời.
NSND Lệ Ngọc, người nghệ sĩ 40 năm đứng trên sân khấu và luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở đưa kịch mục tiệm cận với mọi đối tượng khán giả. Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cho đến lúc cùng êkip Nam tiến, “bà bầu” từng có lúc ngập ngừng, bởi một vở diễn chinh phục được trái tim của khán giả Thủ đô không có nghĩa là nó sẽ “hợp khẩu vị” của khán giả Sài Gòn. Thay vì những hoài nghi ban đầu thì hiệu ứng của khán giả ngược lại.
Chỉ sau vài ngày công bố mở bán vé, hệ thống bán vé liên tục thông báo về tình trạng “hết vé” vì số lượng đặt mua nhiều. Thậm chí, trên trang fangage của sân khấu Lệ Ngọc, nhiều khán giả tiếc nuối vì không thể đặt kịp vé. Giữa lúc nhiều ngành nghệ thuật “đóng băng” sau dịch Covid-19 và chưa có dấu hiệu phục hồi thì cơn sốt vé của kịch Bắc khi Nam tiến thực sự là một tiền lệ hiếm thấy.
Theo thông tin từ đơn vị phát hành vé, chỉ hơn 1 tuần kể từ ngày bắt đầu mở cổng bán vé, hơn 4.200 vé đã được phát hành, 7 trên tổng số 10 suất diễn của sân khấu Lệ Ngọc tại Nhà hát TP. HCM của các vở diễn “Cây tre thần”, “Chí Phèo – Thị Nở” đã chính thức “sold-out”.
Các nghệ sĩ sân khấu kịch Lệ Ngọc. |
Chia sẻ về điều này, NSND Lệ Ngọc cho biết: “6 suất diễn trong 3 ngày liên tiếp không phải là một đoạn đường dài, nhưng nó vừa đủ - đủ để chúng tôi chạm đến trái tim của những người yêu kịch Sài Thành; và đủ để chúng tôi cảm nhận được tình yêu của khán giả nơi đây dành cho loại hình nghệ thuật này lớn đến nhường nào. Và rồi, sau 3 ngày công diễn vở “Cây tre thần” tại TP.HCM, sự quan tâm và yêu mến của khán giả nơi đây càng làm chúng tôi sáng tỏ: “Chẳng phải khoảng cách địa lý, cũng chẳng bởi sự khác biệt văn hóa vùng miền; khi tâm thế của khán giả và cả ê-kip sân khấu cùng nhìn về một hướng, đưa văn hóa cội nguồn xuôi dòng về hiện tại, là lúc mọi trái tim cùng chung nhịp đập”.
Sức hấp dẫn của vở diễn không chỉ đến từ kịch bản hay, đối thoại giữa nhân vật với khán giả còn quan trọng là sự đầu tư bài bản sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Đó còn quan trọng là “lửa nghề” từ các nghệ sĩ. Thời điểm “giãn cách xã hội” vì dịch Covid-19, các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc vẫn đeo khẩu trang, hăng say tập luyện, để sau khi nhịp sống trở lại bình thường, sân khấu có ngay tác phẩm để “trình làng” với khán giả.
Hiện tại, tour diễn “Tìm về văn hóa cội nguồn” của sân khấu Lệ Ngọc đã đi được 2/3 chặng đường và hiệu ứng của khán giả đến rạp mua vé là động lực để nghệ sĩ thăng hoa với nghệ thuật.
https://phapluatxahoi.vn/ly-giai-con-sot-ve-cua-kich-bac-khi-nam-tien-199542.html
Theo Mộc Miên