Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Làm phim remake chỉ để giải quyết vấn đề doanh thu?

Không khuyến khích nhưng phim remake vẫn không thể thiếu

Năm 2020, tình hình rạp chiếu thế giới và trong nước rơi vào cảnh đìu hiu vì hầu như tất cả các phim bom tấn đã hoãn chiếu vô thời hạn. Thế nhưng, rạp Việt tháng vừa qua có doanh thu 100 tỷ từ bộ phim làm lại mang tên “Tiệc trăng máu” chỉ sau 2 tuần công chiếu. Trong năm 2020, hai bộ phim Việt Nam ra rạp là những tác phẩm làm lại từ các kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc: “Bằng chứng vô hình” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Tiệc trăng máu” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) đều được đánh giá cao. Riêng với Nguyễn Quang Dũng, đây là bộ phim làm lại thứ hai của anh có doanh thu khả quan sau “Tháng năm rực rỡ” cũng làm lại từ một bản gốc Hàn.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: “Với tôi, yếu tố quan trọng khi chọn một dự án remake đó là kịch bản hay, mình có cảm xúc, phù hợp khả năng, ê-kíp và điều kiện làm việc. Thật ra khi được đề nghị remake thì 90% là tôi sẽ từ chối, trừ khi kịch bản rất thú vị. Remake không phải là xu hướng mà hiện nay nó như một sự ứng phó, bù đắp cho thị trường đang phát triển rất nhanh mỗi năm mà nhân lực và đào tạo chưa phát triển kịp”.

Dù cũng nhiều người nhận định như Nguyễn Quang Dũng, rằng remake chỉ là dòng phim có tính chất ứng phó, nhưng đến thời điểm này, vẫn có “đất sống”, dù đã có giai đoạn chững lại. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết: Chọn kịch bản phim nước ngoài thành công rồi remake thành phim Việt không phải là cách mà Cục Điện ảnh khuyến khích. Tuy nhiên, sở dĩ phim remake vẫn đều đều sản xuất hàng năm đơn giản bởi: Điện ảnh Việt Nam thực sự khủng hoảng những kịch bản hay, trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng. Vậy nên, việc làm lại những bộ phim của nước ngoài là hướng đi an toàn và luôn có một phân khúc riêng.

lam phim remake chi de giai quyet van de doanh thu
Các phim Việt remake hiện vẫn chỉ chú trọng yếu tố doanh thu. Ảnh: LOTTE

Chỉ đơn thuần lấy doanh thu?

Các phim chiếu rạp được sản xuất dựa theo kịch bản từ nước ngoài, có doanh thu cao của điện ảnh Việt những năm qua có thể kể đến: Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ, Yêu em bất chấp (làm lại từ các kịch bản phim của Hàn Quốc); mới nhất  là “Tiệc trăng máu”. Sự đổ bộ của “kịch bản Hàn Quốc” vào thị trường phim Việt Nam được các nhà sản xuất lý giải là do sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia cũng như sự yêu thích của khán giả Việt Nam đối với các bộ phim Hàn Quốc nhiều năm qua.

Nhưng chính yếu tố doanh thu này cũng không được đảm bảo một cách chắc chắn. “Không có gì là chắc chắn thành công khi remake phim nước ngoài. Chúng ta nên chọn những kịch bản có cảm xúc và phù hợp khả năng của mình. Các phim remake thường thu hút và có đất sống là bởi vì vấn đề đặt ra của câu chuyện nó mang tính quốc tế. Tất nhiên, không phải thị trường nào cũng đúng, cũng chấp nhận hoặc không phải ai kể lại cũng truyền tải được tinh thần cốt lõi của câu chuyện hay có góc nhìn để nó trở thành thứ người ta biết rồi mà vẫn thấy thú vị”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.

Doanh thu khó nói trước, bên cạnh đó đã có lúc, phim làm lại không được tham dự các kỳ liên hoan phim, các giải thưởng điện ảnh trong nước. Đến Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các phim làm lại được tham dự giải, song hai hạng mục quan trọng là Phim hay nhất và Kịch bản phim hay nhất sẽ không được trao giải cho các phim có yếu tố ngoại. Như vậy, đã xác định làm phim remake, các nhà sản xuất và ê-kíp rõ ràng chỉ tính đến yếu tố ra rạp và doanh thu, cơ hội tham dự các giải thưởng quốc tế của họ khá xa xôi.

Nhưng nhìn rộng ra, phim remake không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, các nhà sản xuất muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay để nhằm kiếm lợi nhuận cao. Phim remake là một thử thách sáng tạo đòi hỏi nhà sản xuất, đạo diễn phải có tay nghề cao, có thể phả linh hồn mới vào cái cũ, mới mà không mất đi cái hay đã “mặc định” của bản gốc.

Hollywood – đế chế phim ảnh hàng đầu thế giới cũng mua bản quyền và làm lại những tác phẩm đã thành danh hoặc nổi tiếng trong khu vực như: “The Departed” (còn có tựa Việt: “Điệp vụ Boston_- làm lại từ “Infernal Affairs” – “Vô gian đạo” của Hong Kong),” “Chicago” (“Rosie Hart”), “Oldboy” (phim Mỹ remake từ phim Hàn “Oldboy”), “The Ring” (“Ringu” - Nhật)…

Đáng lưu ý là “Điệp vụ Boston” là một bộ phim điện ảnh chính kịch tội phạm của Mỹ do Martin Scorsese đạo diễn và được công chiếu vào năm 2006. Kịch bản phim do William Monahan viết dựa trên kịch bản “Vô gian đạo”, tác phẩm ăn khách của điện ảnh Hồng Kông năm 2002. Lấy bối cảnh là TP Boston, Massachusetts, bộ phim nói về cuộc đối đầu kịch tính giữa hai điệp viên của cảnh sát và băng đảng gốc Ireland được cài vào tổ chức đối phương để hoạt động. “Điệp vụ Boston” đã thu về gần 300 triệu đôla trên phạm vi toàn cầu cũng như đem lại cho Martin Scorsese giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất sau rất nhiều đề cử không thành công. Bản thân “Điệp vụ Boston” cũng chiến thắng tại hạng mục danh giá nhất của giải Oscar, hạng mục Phim hay nhất. Đây là bộ phim làm lại thứ hai trong lịch sử giải Oscar chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất này. Nghĩa là đến giải danh giá hàng đầu như Oscar cũng đã “mở” với kịch bản làm lại.

Vì thế, nếu phim Việt remake chỉ tập trung yếu tố doanh thu, ít cơ hội với các giải thưởng thì rõ ràng sẽ khiến các nhà làm phim ít động lực sáng tạo từ kịch bản gốc.

https://phapluatxahoi.vn/lam-phim-remake-chi-de-giai-quyet-van-de-doanh-thu-217012.html

Theo Nam Dương 

(Pháp luật Xã hội)

Top
×