Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

“Kiều” phiên bản điện ảnh: Điểm khác biệt có tạo nên điều đặc biệt?

Phục trang mất điểm

Ngay từ khi công bố tạo hình nhân vật trong Kiều, yếu tố phục trang là đề tài nóng trên các diễn dàn về phim ảnh. Đầu tiên về phục trang nhân vật Thúy Kiều trong tông màu vàng khoe vẻ đẹp mong manh, nhiều ý kiến không đồng tình khi nhà sản xuất lựa chọn màu sắc bởi theo họ màu vàng biểu trưng của các bậc vua chúa không phù hợp với nhân vật từng có xuất thân từ kỹ nữ lầu xanh.

Trái lại, vai Hoạn Thư đài các, thanh thoát, địa vị lại được hóa trang vai phản diện với màu áo đỏ, thêu kim tuyến long lánh trông không khác một Tú bà chốn lầu xanh. Chiếc áo hở xương quai xanh khiến Hoạn Thư mất hình tượng chính thất, dòng dõi hào môn.

Được biết, phụ trách trang phục chính trong phim là nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Cô từng được gọi là “phù thủy” thiết kế phục trang cho các phim điện ảnh lớn như “Tấm Cám”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Mẹ chồng”,…

Nếu trong phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” thì trang phục không có yếu tố về triều đại cụ thể nên nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo trang phục với nét đẹp mang  tính thuần Việt và tinh tế là đủ. Riêng với “Truyện Kiều”, tác phẩm được đại thi hào Nguyễn Du lấy cảm hứng từ bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, dẫn ý tứ và hình ảnh tiêu biểu nhất biểu diễn bằng thơ.

Theo tư liệu, bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” lấy  bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh (từ năm 1521 tới năm 1567). Có một số nhân vật như tống đốc Hồ Tôn hiến, kỹ nữ Vương Thúy Kiều, nhân vật Từ Hải là có thật trong lịch sử.

Bởi thế, khi xây dựng tác phẩm điện ảnh, yếu tố quan trọng khác ngoài kịch bản thì trang phục là điểm nhấn đầu tiên tạo ấn tượng với khán giả.

Theo giới thiệu của đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền, bộ phim “Kiều” được làm theo thể loại cổ trang (fantasy) nên với phong cách này, ê-kíp không lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể (không phải là dòng phim chính sự), vì vậy các nghệ sĩ có cơ hội phát huy sức sáng tạo tốt nhất, không chỉ về tạo hình nhân vật (hóa trang - phục trang), mà cả về bối cảnh, tình huống, màu sắc, âm nhạc…

Phim sẽ có một số chi tiết hư cấu khác với nguyên tác để tăng mức độ hấp dẫn. Dù không đặt nhiều so sánh về trang phục, nhưng nếu vin vào thể loại fantasy thì “Truyện Kiều” phiên bản điện ảnh chưa tạo được ấn tượng ban đầu.

Bên cạnh trang phục “mất điểm” thì yếu tố kịch bản cũng khiến khán giả thắc mắc. Trong đoạn teaser của dự án “Kiều” giới thiệu lát cắt kịch tính của bộ ba nhân vật Thúy Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. Tại sao một Hoạn Thư đài các lại cầm dao đánh ghen?

Dù biết, trong điện ảnh yếu tố hư cấu là không thể không có, nhưng việc xây dựng nhân vật có phần “sáng tạo” quá đà khiến hình ảnh phim thiếu sự tinh tế vốn có trong các hình ảnh thơ.

Nhiều ý kiến khắt khe cho rằng, đã mượn danh Truyện Kiều thì hãy làm nên một bộ phim chỉn chu và thể hiện sự đầu tư nghiên cứu chính xác với nguyên tác văn học.

Nếu mượn danh và tạo ra một cái “sáng tạo” đến độ sai lệch cả những điều cơ bản thì đoàn phim nên làm phim ngôn tình đầy rẫy drama thì hay hơn. Qua teaser nhá hàng, chỉ là các hình ảnh đầy rẫy drama ngôn tình không cảm nhận được cái nhân văn, sự tinh tế trong văn học của “Truyện Kiều”.

kieu phien ban dien anh diem khac biet co tao nen dieu dac biet
Tạo hình của “bộ ba tam giác” trong phim “Kiều” gồm Thúy Kiều – Thúc Sinh – Hoạn Thư. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Tinh thần cầu tiến trong phim Việt

Bên cạnh những chỉ trích thì nhiều ý kiến đồng tình việc phim Việt Nam nên có cái nhìn khách quan để các nhà sản xuất dũng cảm lựa chọn con đường, mang tới sắc màu mới cho phim Việt. Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền từng chia sẻ, dự án điện ảnh “Kiều” được chị ấp ủ trong 10 năm qua.

Từng đặt hàng người viết kịch bản nhưng chỉ ưng ý nhất với kịch bản của NSƯT Phi Tiến Sơn. Sau 7 lần chỉnh sửa kịch bản, tham gia của đội ngũ ê-kíp làm phim hơn 100 người, “Kiều” chính thức được khởi quay vào tháng 4-2020 và dự kiến ra rạp vào ngày 5-3-2021.

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng tiết lộ, quá trình casting nhân vật chính trong phim tạo áp lực lớn với nhà sản xuất. Cuối cùng, sau nhiều lựa chọn yếu tố mới mẻ, kịch tính nhà sản xuất quyết định chọn Trình Mỹ Duyên vai Thúy Kiều, Cao Thái Hà vai Hoạn Thư và vai Thúc Sinh do Lê Anh Huy đóng.

Điều đặc biệt, khác với kinh nghiệm diễn xuất của Cao Thái Hà 2 diễn viên trẻ Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Thúy Kiều được tạo hình vẻ đẹp mong manh, đôi mắt diễm lệ thì Thúc Sinh do Lê Anh Huy thủ vai không chỉ là hình ảnh của một công tử chỉ giỏi việc buôn bán, có chút yếu hèn, Thúc Sinh phiên bản điện ảnh là một nam nhi võ công cao cường, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để cứu Thúy Kiều.

Trong “Truyện Kiều”, nhân vật Thúy Kiều đặt tình yêu với 3 người đàn ông trong cuộc đời là Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Để tạo tình tiết mới trong phim điện ảnh, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lựa chọn miêu tả một trong ba mối tình của Thúy Kiều.

Và cụ thể là phim miêu tả về mối tình Thúy Kiều – Thúc Sinh. Nữ đạo diễn cũng hé lộ, bộ phim sẽ được xây dựng một số nhân vật mới không có trong bản thơ “Truyện Kiều” và nếu bộ phim thành công rất có thể cô sẽ làm tiếp “Kiều” phần 2 phần 3 với các mối tình còn lại của Thúy Kiều.

Nếu như đã công bố thì phim điện ảnh “Kiều” lần này chủ yếu miêu tả về giai đoạn Thúy Kiều gặp Thúc Sinh và các nhân vật như Từ Hải, Kim Trọng có xuất hiện hay không sẽ vẫn là ẩn số khó đoán.

Dẫu biết, lần đầu tiên tác phẩm “Truyện Kiều” lên màn bạc. Đó là sự dũng cảm, táo bạo mà hiếm nhà sản xuất phim Việt dám chọn con đường đó.

Ngoài kinh phí đầu tư triệu độ thì áp lực xây dựng “tượng đài” bằng thơ nổi tiếng trên màn ảnh là một thách thức lớn. Qua teaser, bên cạnh điểm cộng về diễn xuất của các diễn viên thì điểm đáng khen ngợi là nhà sản xuất phim đã lồng ghép nhiều bối cảnh mang hình ảnh Việt Nam.

Các địa danh thiên nhiên nổi tiếng được lồng ghép khéo léo với các cảnh quay được đầu tư, kịch tính nhất là các phân cảnh võ thuật tạo hấp dẫn cho người xem.

Hi vọng với sự đầu tư và tinh thần cầu tiến, tác phẩm “Kiều” sẽ được khán giả trong nước đón nhận và sẽ là bộ phim giữ gìn nét đẹp và tình yêu của người Việt Nam đối với nền văn học nước nhà, hơn hết là được phát hành tại các nước Mỹ, Úc như kỳ vọng ban đầu của đoàn làm phim.

https://phapluatxahoi.vn/kieu-phien-ban-dien-anh-diem-khac-biet-co-tao-nen-dieu-dac-biet-223020.html

Theo Mộc Miên 

(Pháp luật Xã hội)

 
Top
×