Đăng ký
Không nhận diện được thuê bao, vui lòng truy cập bằng 3G hoặc đăng nhập để sử dụng dịch vụ.

Hãy bắc cầu thay vì xây những bức tường chắn!

Khi nhà sản xuất “ngả mũ”

Lùm xùm bản quyền xung quanh bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” (tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”) hay tranh cãi về câu chuyện sử dụng giống chó shiba của Nhật Bản trong phim “Cậu Vàng” (dự án chuyển thể tác phẩm văn học Lão Hạc) đã dấy lên phong trào “tẩy chay” phim Việt của một bộ phận khán giả. Nếu như “Cậu Vàng” trầy trật tại cửa rạp phòng vé và phải chấp nhận rời rạp sau 2 tuần công chiếu thì nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” đã và đang nỗ lực hết mình đưa “thương hiệu” phim Việt đến gần hơn với công chúng.

Ngày 24-1, nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” đã tổ chức buổi showcase giới thiệu dự án phim với truyền thông. Buổi showcase chỉ có đại diện nhà sản xuất và ê-kíp làm phim cùng luật sư Nguyễn Đức Hoàng – đại diện pháp lý của nhà sản xuất tham gia mà không có bất kỳ một diễn viên nhí nào. Theo lý giải, nhà sản xuất tránh việc giới thiệu các diễn viên nhí trong bộ phim vì e ngại đưa hình ảnh trẻ em để làm “bình phong” cho những tranh luận từ vụ bản quyền tác phẩm giữa Cty Phan Thị và tác giả Lê Linh.

Hãy bắc cầu thay vì xây những bức tường chắn!
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tại buổi showcase về dự án phim "Trạng Tí phiêu lưu ký".

Xung quanh buổi gặp gỡ với truyền thông, nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” vẫn mong muốn truyền tải thông điệp làm phim vì khán giả. Họ cho rằng, nhà sản xuất đã làm đúng quy trình pháp lý trong thực hiện tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” lên phiên bản điện ảnh. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, nhà sản xuất có thái độ cầu thị với đơn vị nắm giữ bản quyền tác phẩm là Cty Phan Thị và tác giả sáng tạo nhân vật họa sĩ Lê Linh. Trái ngược với kỳ vọng, họa sĩ Lê Linh 4 lần từ chối tham gia dự án vì đặt vào tình thế “sự đã rồi”. Tuy nhiên, trong poster mới nhất, nhà sản xuất đã kịp thời đề thêm tên tác giả Lê Linh với dòng chú thích: “Từ những nhân vật được sáng tạo bởi học sĩ Lê Linh” để thể hiện sự tôn trọng đối với “cha đẻ” của 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo.

Sau sự kiện công khai giải quyết rắc rối về bản quyền, nhà sản xuất phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” bắt đầu thực hiện chiến dịch quảng bá phim. Qua trailer giới thiệu phim, hầu hết khán giả đều đánh giá cao về ý tưởng, hình ảnh và tính nhân văn của kịch bản. Một ý kiến nhận xét: “Luôn ủng hộ phim của Ngô Thanh Vân vì rất nghiêm túc. Đây lại là một bộ phim cho thiếu nhi, có tác dụng giáo dục cho trẻ em hiểu biết thêm về lịch sử Việt Nam. Quá tốt và đáng khích lệ”. Số đông khán giả nhận định, tác phẩm phim có sự tham gia của Ngô Thanh Vân đều đầu tư tâm huyết và kinh phí nên “Trạng Tí phiêu lưu ký” rất đáng để kỳ vọng.

Hơn nữa, nhà sản xuất và đạo diễn lắng nghe ý kiến của khán giả để có những chỉnh sửa nội dung hình ảnh phù hợp so với nguyên tác truyện tranh. Đó là việc sửa bổ tử (miếng vải thêu hình chim, thú đính trước ngực và sau lưng áo thời phong kiến) của nhân vật Tí (nguyên tác là bản đồ hình chữ S) được thay đổi bằng hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lý giải, trong phim Tí là cậu bé con nhà nghèo chờ ngày thành danh và hình ảnh trên bổ tử sẽ thay đổi qua từng tập phim để thể hiện hành trình của Tí. Bên cạnh đó, dù bản đồ hình chữ S rất ý nghĩa nhưng không đúng với hiện tại khi thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê và ở thời Hậu lê, bản đồ Việt Nam chưa có hình chữ S”.

Quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”

Sự việc “tẩy chay” phim “Cậu Vàng” khiến bộ phim phải rời khỏi các rạp chiếu tiếp tục là đề tài bàn luận của cộng đồng mạng. Lý do phim phải dừng chiếu vì tình trạng rạp vắng tanh, chi phí chiếu phim không đủ bù đắp chi phí vận hành. Hiện tại, doanh thu của “Cậu Vàng” đang rơi vào khoảng 3,5 tỉ đồng so với kinh phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng. Việc phim rời rạp chiếu chưa bàn đến kịch bản nhưng ồn ào xung quanh việc đạo diễn phim sử dụng nhân vật là chú chó shiba đóng vai “Cậu Vàng” không nhận được sự đồng tình từ phía khán giả. Cùng với đó là thái độ thách thức dư luận qua trang fangage chính thức của dự án phim.

Từ thất bại của phim “Cậu Vàng”, sau buổi showcase phim “Trạng Tí phiêu lưu ký”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ chân thành câu chuyện về việc phim bị tẩy chay. Anh cho rằng, ê-kíp không lựa chọn chiêu trò giật gân để quảng bá cho phim, ngoại trừ làm tốt chính bộ phim. Điều đó được thể hiện từ bộ phim đầu tay “Em là bà nội của anh”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bị một số khán giả kêu gọi tẩy chay vì cái tựa đề phim phản cảm. Đến bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua”, hai diễn viên Miu Lê và Ngô Kiến Huy đưa vào tầm ngắm quá tuổi so với kịch bản phim. Hiện tại, bộ phim “Trạng Tí” tiếp tục rơi vào trường hợp tẩy chay phim trước ngày khởi chiếu vì ồn ào bản quyền phim.

Sóng gió dư luận từng khiến Phan Gia Nhật Linh cảm thấy sốc và bất ngờ, nhưng nam đạo diễn tự tin rằng, khi “Trạng Tí phiêu lưu ký” công chiếu, khán giả sẽ có cái nhìn tích cực hơn về dòng phim dành cho trẻ em. Nhất là trong thời điểm hiện nay, dòng phim này hiếm khi được khai thác và có nhiều đột phá. Với tâm huyết làm nghề và vai trò đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh mong muốn làm một bộ phim đậm văn hóa Việt, tinh thần Việt, hoành tráng và cảm động dành cho thiếu nhi Việt Nam.

Hãy bắc cầu thay vì xây những bức tường chắn!
Phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" dự kiến khởi chiếu vào mùng 1 Tết Tân Sửu (12-2-2021)

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng chia sẻ, sau sự việc ồn ào từ câu chuyện bản quyền, cô sẽ tập trung vào nội dung phim. “Trạng Tí phiêu lưu ký” đã là một hành trình rất dài, không chỉ với ê-kíp mà còn với cả các em diễn viên nhí nữa. Vân tin rằng, bộ phim sẽ chinh phục khán giả bằng chính chất lượng của phim.

Thực tế, việc làm phim chuyển thể tác phẩm văn học, truyện tranh luôn là thách thức không hề nhỏ với đạo diễn và nhà sản xuất khi phim luôn gây ra tranh cãi trong công chúng dù chưa chiếu hay đang lên sóng. Từ việc tập hợp tư liệu, lên ý tưởng kịch bản, bối cảnh, đạo cụ đến công tác hậu kỳ đều đòi hỏi sự chỉn chu. Trước đó, bộ phim “Tháng 5 để dành” (nhà sản xuất Đức Ngụy, đạo diễn Lê Hà Nguyên) chuyển thể từ tiểu thuyết “Ranh giới” (tác giả Hoàng Trung Hiếu – Rain8X) từng gây sốt trên mạng xã hội nhưng phiên bản điện ảnh lại không được nhiều khán giả đón nhận. Trong khi, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Mắt biếc” chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ tạo nên thành công cho phiên bản điện ảnh.

Đằng sau thành công của bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học chính là sự bảo chứng của một đạo diễn tài năng và ê-kíp làm phim tâm huyết trong việc chuyển tải ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh, với cái nhìn đa chiều và đem đến cho người xem thông điệp truyền cảm hứng sống tích cực. Mặc dù có sự thay đổi ít nhiều so với nguyên tác, bộ phim vẫn cần giữ nguyên được tinh thần mà câu chuyện muốn truyền tải, đó là điều mà những độc giả trung thành cần khi trở thành khán giả xem phim.

Với vai trò khán giả, những người thưởng thức nghệ thuật nên có cái nhìn nhiều chiều, khen – chê đúng nghĩa hơn là việc soi xét, bẻ lái dư luận. Thất bại của “Cậu Vàng” gióng lên hồi chuông nhà làm phim phải đón bắt tâm lý thưởng thức của khán giả. Quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật” cần được cân bằng hài hòa nhằm mang tới sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, gắn bó với đời sống con người.

https://phapluatxahoi.vn/hay-bac-cau-thay-vi-xay-nhung-buc-tuong-chan-226112.html

Theo Mộc Miên 

(Pháp luật Xã hội)

Top
×