“Có một bé nghiện game online, cháu đòi bố mẹ nâng cấp điện thoại để chơi game. Tuy nhiên, yêu cầu không được đáp ứng, cháu đã cầm điện thoại ném vào mặt mẹ. Game online là chất độc vô hình, khi người trẻ sa vào sẽ gặp rất nhiều hậu quả”.
Câu chuyện trên được bác sĩ Nguyễn Văn Ca- Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ tại tọa đàm “Nghiện game online – Hậu quả khôn lường” diễn ra tại trường THPT Thành Nhân (quận Gò Vấp) vào sáng 16-6. Tọa đàm do báo Tiền phong tổ chức.
Chơi game đến quên ăn, quên ngủ
Tham gia tọa đàm, BN- học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) đã kể lại câu chuyện cai nghiện game của mình.
BN kể về câu chuyện nghiện game của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Em bắt đầu chơi game từ năm lớp 3. Ban đầu em chỉ chơi 1 tiếng, sau đó tăng lên 4, 5 tiếng và tăng dần lên 8 đến 12 tiếng/ ngày. Dần dần, em chơi đến quên ăn, quên ngủ”- N. bắt đầu câu chuyện của mình.
Theo N., em chủ yếu chơi game nhập vai. “Lúc chơi game, em được chọn nhân vật. Khi đánh thắng, em vui, la hét nhưng khi thua, em bức bối, tức giận, có thể đánh bàn phím thậm chí nhiều khi em còn chửi thề. Nếu đang chơi tập trung, bị người khác sai bảo em có thể quát, hoặc đánh lại, nếu nhập tâm quá em nghĩ có thể giết người”, N. kể lại.
N. bày tỏ: "‘Sau khi nghiện game, em bỏ nhà ra đi. Bố mẹ tìm em về nhốt trong nhà. Em tìm cách trốn ra ngoài, trong người chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền. Để có tiền chơi game tiếp, em nhờ bạn tìm việc làm. Tuy nhiên, để kiếm được 100.000 đồng/ngày, công việc rất vất vả. Sau đó, gia đình đã tìm được và đưa em vào trường cai nghiện”.
“Khi mới vào trường, em rất khó chịu, bứt rứt vì không được tiếp xúc với game. Hiểu được tâm lý của em, các giáo viên của trường đến trò chuyện và kể cho em những trường hợp tương tự. Trường em tách biệt với công nghệ và học viên không được dùng điện thoại. Sau một thời gian theo học tại trường, giờ đây em không còn có hứng thú với game nữa. Em bỏ game hoàn toàn, thay vào đó em lo học và vận động nhiều hơn”- N. nói.
“Chỉ vì mê game mà em đã bỏ gia đình, bỏ đi ước mơ, bỏ cả tương lai của mình. Nếu em không sớm nhận ra và không nhận được sự quan tâm của thầy cô thì có lẽ bây giờ em đã sống phiêu dạt ở một nơi nào đó”, N. nhắn nhủ.
"Nghiện game cũng giống như nghiện ma túy"
Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), nhà tâm lý chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game cho biết, nghiện game online ngoài những học sinh yếu kém, còn có cả những học sinh có thành tích học tập khá giỏi, thậm chí sinh viên có học bổng du học nước ngoài. Ban đầu, các em chỉ chơi game từ 1– 2 tiết mỗi ngày, thế nhưng lâu dần do không có được sự kiểm soát của bản thân nên thời gian tăng lên cả ngày, có khi các em ăn cùng game và ngủ cùng game.
Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (ở giữa) chia sẻ tại toạ đàm sáng 16-6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Tôi cùng ăn, ngủ với người nghiện game nên tôi thấy một ai đã chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi mong các em nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, khoảng 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng vui nhộn, đặc biệt tránh xa những game bạo lực. Chúng ta phải nhìn, game online như một ly nước độc, nếu chúng ta uống ly nước độc chẳng khác nào tự sát và người chơi game giống như người uống nước có độc”- ông Anh khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 cho hay, nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Cụ thể, ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Thứ hai, cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, chơi game gây tác hại về tinh thần rất khủng khiếp. Người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo.
Học sinh trường THPT Thành Nhân, quận Gò Vấp chăm chú lắng nghe buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Về hướng điều trị, bác sĩ Ca cho biết nghiện game online có những bệnh rất khó điều trị nhưng cũng có những bệnh dễ điều trị nếu được phát hiện sớm. Điều quan trọng là phải tạo môi trường điều trị thuận lợi cho người nghiện. Việc điều trị mang tính cá thể hóa, tùy từng trường hợp khác nhau mà chúng ta áp dụng biện pháp khác nhau.
Tương tự, Th.S Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên trường ĐH An ninh Nhân dân cũng cho biết tác hại của game rất nghiêm trọng. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thẳng, nếu thua thì tạo tư tưởng cay cú. Khi dấn sâu vào game online, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè, điều này cực kỳ nguy hiểm.
“Game online là “món ăn tinh thần” song nếu không kiểm soát, không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm. Việc chơi và nghiện game quá mức sẽ dễ làm cho người trẻ mê muội”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo Th.S Lâm, hệ lụy của việc nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó gia đình có lỗi lớn nhất.
Bởi lẽ mỗi cá nhân luôn sống trong một gia đình và họ luôn có “bước khởi đầu” của việc nghiện game, mà “bước khởi đầu” đó đều do gia đình. Như con cái không ăn, nhiều bố mẹ dùng game để dụ dỗ. Hay khi trẻ quấy khóc, bố mẹ giao hẳn chiếc điện thoại để con chơi game. Do đó, cách tốt nhất, bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại. Ngoài ra, bố mẹ nên sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những trò bổ ích, cho con đọc những bài báo, clip về tác hại của game…
https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/choi-game-qua-muc-nguoi-tre-de-me-muoi-918897.html
Theo Nguyễn Quyên
(Pháp luật TP Hồ Chí Minh)